HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH THU GOM, XỬ LÝ RÁC THẢI TỪ VỎ, BAO BÌ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT HỘI NÔNG DÂN QUẢN LÝ.
HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH THU GOM, XỬ LÝ RÁC THẢI TỪ VỎ,
BAO BÌ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT HỘI NÔNG DÂN QUẢN LÝ.
Trước đây, nhiều nông dân trên địa bàn xã Mỹ An huyện Thủ Thừa có thói quen sau khi sử dụng thuốc BVTV thì vứt bỏ vỏ bao bì, chai lọ thuốc bừa bãi trên cánh đồng, điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường cũng như sức khỏe của người dân.Trước thực trạng trên, hai năm qua Hội Nông dân xã Mỹ An đã triển khai và thực hiện mô hình “ Thu gom, xử lý rác thải từ vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật” qua sử dụng đã đạt những kết quả tích cực.
Xã Mỹ An có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 1.175ha trong đó có 1.122ha sản xuất nếp và 53ha trồng hoa màu các loại. Theo đó, nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất của nông dân rất cao. Vì vậy lượng bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng là rất lớn, đáng ngại nhất là tình trạng vứt vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, bừa bãi. Một số nông nhân do nhận thức còn hạn chế, có thói quen vứt thẳng xuống kênh, đường nước, dẫn đến tình trạng rác thải từ vỏ bao bì thuốc BVTV trôi nổi, gây ô nhiễm môi trường hơn hết là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nông dân cũng như của cộng đồng.
Trước thực trạng đó, từ năm 2022 đến nay Hội Nông dân xã Mỹ An đã nghiên cứu thực hiện mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Hội đã tham mưu cho cấp ủy, Ủy Ban Nhân dân hỗ trợ kinh phí xây dựng trên 15 hố chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật đặt trên các cánh đồng.
Hội Nông dân đã chọn chi hội nông dân ấp 2 để thực hiện mô hình làm điểm để nhân rộng, các điểm đặt hố chứa đều thuận tiện về giao thông, xa khu dân cư, nguồn nước sinh hoạt, không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh, thuận lợi cho người dân thực hiện, giúp nông dân thay đổi dần thói quen vứt rác thải nông nghiệp ngay tại bờ ruộng sau khi sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường .
![]()
![]()
![]()
![]()
![]()
![]()
![]()
![]()
Sau hai năm thực hiện mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực:
Thứ nhất: điều dễ nhận thấy là người nông dân đã dần hình thành thói quen thu gom các loại vỏ chai, bao bì vỏ thuốc BVTV sau sử dụng bỏ vào các hố, bể chứa hoặc một số bao bì, chai lọ mà tận dụng bán ve chai được bà con nông dân phân loại bán để có thêm nguồn thu nhập nho nhỏ cho gia đình.
Thứ hai: nâng cao nhận thức của hội viên nông dân trên địa bàn xã về tác hại của vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.
Thứ ba: đã phát huy vai trò của tổ chức hội Nông dân trong thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và các phong trào của hội nông dân đề ra.
Đáng mừng hơn sau quá trình triển khai thực hiện mô hình, bà con nông dân thấy đây là mô hình thiết thực, hiệu quả góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường, đồng thời mô hình đã tạo được dấu ấn trong quá trình thực hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 của xã./.